Trang chủ»Tin tức»Tin kinh tế

Tin kinh tế

Cơ hội ngày càng hẹp...

Ông Michael Kokalari - Trưởng bộ phận nghiên cứu tại CTCK Maybank Kim Eng, nhận xét: “Mức độ quan tâm của NĐT nước ngoài đến thị trường VN đã lên cao nhất kể từ khi tôi tới đây”.

Mặc dù không thực sự đột biến nhưng thị trường chứng khoán VN (TTCK) 8 tháng 2013 vẫn tăng trưởng. Nhiều yếu tố khác cũng cho thấy thị trường còn nhiều cơ hội. Trong khi đó, cơ hội đối với các Cty chứng khoán thì dường như ngày càng hẹp lại. Một chặng đường tái cấu trúc tới đây, nghiệt ngã và quyết liệt hơn, là điều chắc chắn…

Theo thông tin trên website của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), tính đến ngày 9/9/2013, thị trường hiện có 106 Cty chứng khoán (CTCK). Trong số đó, có một số cái tên đã không còn xuất hiện như Chứng khoán Đại Việt, Âu Việt. Nhưng lại có những cái tên mà hoạt động thực tế đã đình trệ và có Cty còn phá sản, đóng cửa toàn phần như Chứng khoán Chợ Lớn. Một số cái tên trong vòng “nguy hiểm” khác như Chứng khoán Cao Su, Sao Việt, SME, Hà Nội, Trường Sơn… vẫn tiếp tục hiện diện.

Từ áp lực của CTCK

Đầu năm 2013, Thông tư 210/2012/TT-BTC về hướng dẫn thành lập và hoạt động CTCK, trong đó có Điều 44 hạn chế đầu tư của các Cty chứng khoán: CTCK không được đầu tư bất động sản, không nắm quá 20% vốn của DN niêm yết, có thể nói là cú điểm trúng tử huyệt của các CTCK. Và có lẽ đó chính là “ngòi dẫn” đến nhận định về tình hình các CTCK trong bán niên 2013 - một năm tiếp tục khó khăn – theo SSC.

Cụ thể trong 6 tháng đầu năm, SSC đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 3 CTCK; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật và hỗ trợ tích cực cho công tác tái cấu trúc các CTCK. SSC cũng đã tiếp tục tăng cường giám sát, kiểm tra các CTCK về giao dịch ký quỹ, bán khống; Tiến hành rà soát đối với các CTCK có khoản thu lớn, đồng thời yêu cầu các CTCK nghiêm túc thực hiện chế độ báo cáo, công bố thông tin và tuân thủ quy định về tổ chức và hoạt động CTCK, tăng cường công tác quản trị điều hành, đảm bảo hoạt động an toàn theo quy định hiện hành, quy định về giao dịch chứng khoán, thanh toán chứng khoán theo Thông tư 74/2011/TT - BTC hướng dẫn về giao dịch chứng khoán.

Riêng về các Cty quản lý quỹ (trong số 47 Cty đang có trên thị trường, có hơn phân nửa là Cty con của các Cty chứng khoán), hoạt động cũng không dễ dàng. Cũng theo SSC, tính đến hết quý I/2013, có 17 Cty quản lý quỹ hoạt động có lãi và 25 Cty bị lỗ, 28/47 Cty có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn điều lệ do kết quả hoạt động kinh doanh thua lỗ, trong đó 23 Cty có vốn chủ sở hữu thấp hơn vốn pháp định. SSC đã yêu cầu các Cty này tăng vốn nhằm đáp ứng theo quy định. Trong 6 tháng đầu năm, không có Cty quản lý quỹ nào được cấp phép thành lập mới, đồng thời chấm dứt hoạt động 2 văn phòng đại diện.

Như vậy, dù chuẩn CAMEL, các dự thảo về Quy chế đánh giá, xếp loại CTCK, Cty Quản lý chưa được áp dụng, song khó khăn đối với các CTCK nói chung, và các Cty quản lý quỹ nói riêng, là điều đã được nhìn thấy rõ.

Thừa nhận những khó khăn của CTCK, song theo ông Phạm Hồng Sơn - Vụ trưởng Vụ Quản ký Kinh doanh, SSC vẫn không thể không làm mạnh tay, vì các CTCK cũng không thể cứ muốn duy trì như hiện tại, không muốn hướng đến chuẩn mực cao hơn, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. “Nếu cứ mãi làm như vậy thì đến bao giờ VN mới phát triển mạnh lên được?” - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn thì với các động thái đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường như thời gian qua, nhằm tạo một môi trường tốt trong kinh doanh, kiểm soát rủi ro tốt hơn, các CTCK yếu kém sẽ phải ra đi và dự báo thời gian tới, số lượng các CTCK sẽ còn giảm.

Nhưng việc giảm số lượng các CTCK, có đồng nghĩa các CTCK sẽ vững mạnh hơn? Và thị phần của những miếng bánh dành cho các CTCK có theo số lượng các Cty giảm xuống mà lớn hơn? vẫn còn là những câu hỏi. Rõ ràng, cơ hội cho các CTCK trên thị trường đang phụ thuộc rất nhiều vào việc họ có gánh, và đáp ứng nổi áp lực nâng cấp hay không, khi đó là tất yếu và bắt buộc.

Và sự đa dạng của các mô hình CTCK, cũng là điều bắt buộc mà các nhà hoạch định chính sách nên tính tới, để “tháo cũi” cho các CTCK được kinh doanh và phục vụ nhu cầu thị trường tốt hơn, cũng là để giúp thị trường tiến đến thông lệ quốc tế gần hơn – những điều mà đã hơn 10 năm qua - TTCK VN rất nỗ lực, nhưng vẫn chưa đạt.

Hay nói như như Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VAFI trong Báo cáo nghiên cứu về độ mở của TTCK VN: So với thông lệ phổ biến trên thế giới, tư duy của các nhà hoạch định chính sách từ những nước giàu nhất như Mỹ đều với quan điểm càng thu hút nhiều vốn nước ngoài càng tốt. Từ đó có chính sách ưu đãi về VISA, quốc tịch, về mua nhà giá rẻ, về miễn giảm học phí cho con lao động nước ngoài.

Còn VN, ngược lại các nhà hoạch định chính sách chưa nghiên cứu nhiều về kinh nghiệm thế giới, chưa hiểu ý nghĩa vô cùng to lớn của việc mở room để kích thích nền kinh tế phát triển.

Việc không nhận thức đầy đủ kinh nghiệm thế giới để ra được chính sách hay là thiệt thòi to lớn cho kinh tế nước nhà. Nếu chúng ta sớm học hỏi và áp dụng kinh nghiệm thế giới thì bức tranh về DN VN, về TTCK VN sẽ khác cơ bản.

Đến cơ hội của TTCK

Trong các kênh đầu tư, thì chứng khoán VN là một trong những kênh hiếm hoi tiếp tục có tăng trưởng, thậm chí VN-Index, chỉ số chính của thị trường còn đạt mức tăng 2 con số.

Cụ thể, 8 tháng đi qua, chỉ số VN-Index đã tăng trưởng 14,25%. Kém hơn, chỉ số HNX-Index cũng tăng 7,18%. Thị trường cũng tạo cơ hội cho hoạt động huy động vốn qua phát hành cổ phiếu tốt hơn năm 2012.

Theo thống kê, tính đến hết 6 tháng 2013, tổng số tiền huy động qua kênh cổ phiếu trên TTCK của các DN đạt 20.505 tỉ đồng. Tuy nhiên, kênh phát hành trái phiếu âm 100% trong khi năm 2012 đã mang về cho DN hơn 29.000 tỉ đồng tiền huy động từ phát hành trái phiếu nên tổng số tiền huy động chung của các cổ phiếu và trái phiếu, qua TTCK 6 tháng 2013 mới đạt 51% tổng số tiền huy động của cả năm 2012.

Mặc dù vậy, số DN chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng đạt gấp đôi năm 2012 (393 DN trong 6 tháng 2013, so với 178 DN trong cả năm 2012). Như vậy, số DN mạnh dạn đón vốn qua TTCK đã nhiều hơn năm cũ (tất nhiên, không loại trừ khó khăn từ các kênh huy động vốn ngắn hạn như ngân hàng đã khiến DN bắt buộc phải quay lại tìm cơ hội trên thị trường phát hành cổ phiếu).

Còn theo Ủy ban Chứng khoán nhà nước (SSC) thì tổng mức huy động trên TTCK thông qua phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu chính phủ đạt 114.840 tỉ đồng (tăng 37% so với cùng kỳ năm 2012).

Tuy nhiên, huy động vốn qua phát hành cổ phiếu giảm mạnh, chỉ đạt 2.344 tỉ đồng (giảm 58% so với cùng kỳ năm ngoái); đấu giá cổ phần hóa đạt 420 tỉ đồng (tăng 75% so với cùng kỳ); Tổ chức được 110 đợt đấu thầu TPCP với tổng giá trị trúng thầu đạt trên 112.000 tỉ đồng (chiếm 67% so với tổng khối lượng trúng thầu cả năm 2012).

Cùng với đó, dù có nhiều biến động, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục quan tâm đổ vốn vào TTCK VN. Tính đến 30/8/2013, Trung tâm lưu ký chứng khoán VN (VSD) đã cấp mã số giao dịch chứng khoán cho 16.507 nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có 2.164 nhà đầu tư tổ chức và 14.343 nhà đầu tư cá nhân.

Số nhà đầu tư nước ngoài, kể cả cũ lẫn mới này đã có sự đóng góp quan trọng cho mức tăng trưởng, thanh khoản của thị trường trong giai đoạn vừa qua. Trong đó, xu thế mua ròng vẫn được khối ngoại duy trì với giá trị mua ròng đạt 3.194,27 tỉ đồng trong 8 tháng.

Ông Michael Kokalari - Trưởng bộ phận nghiên cứu tại CTCK Maybank Kim Eng, nhận xét: “Mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến thị trường VN đã lên cao nhất kể từ khi tôi tới đây” (tính đến tháng 5/2013, thời điểm vốn ngoại đổ vào TTCK VN cao nhất trong vòng 5 năm trở lại).

Cũng theo ông Kokalari, VN-Index có khả năng tăng lên 550 điểm vào cuối năm nay. 550 điểm là cột mốc mà một khi đã tụt xuống, TTCK VN từ lâu vẫn đang “mơ tưởng”. Với dự báo lạc quan này, rõ ràng, tuy trải qua rất nhiều thăng trầm và thị trường đã khiến rất nhiều nhà đầu tư thủng túi, nhưng lực hút của thị trường thì vẫn còn đó, tiếp tục thu hút hêm nhiều nhà đầu tư mới tham gia. Cơ hội cho thị trường tăng trưởng sẽ dài hơn và một nền tảng để kế hoạch tái cấu trúc thị trường sẽ có nhiều niềm tin hơn để được phát đi trong bền vững.

Nhưng cơ hội nói chung của thị trường, có đồng nghĩa với cơ hội của các CTCK?

Theo Lê Mỹ
Diễn đàn doanh nghiệp