Tin kinh tế
CPI 2013 có thể không còn quy luật “2 cao 1 thấp”
Sau những tháng đầu năm khá ổn định ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2013 so với tháng trước đã tăng khá mạnh, với mức tăng 0,83%, cao hơn những tháng trước đó trước đó. Điều này khiến cho một số người lo ngại CPI cả năm sẽ tăng mạnh để kết thúc năm ở mức cao theo đúng quy luật “2 cao 1 thấp” như đã được định hình trước đó.
Biểu đồ diễn biến CPI từ năm 2007 đến năm 2012 - Nguồn: Tổng cục Thống kê.
Nếu CPI năm nay diễn ra theo đúng quy luật đó thì lãi suất VND thời gian tới chắc chắn sẽ có biến động theo xu hướng tăng. Tuy nhiên, theo đánh giá của người viết, diễn biến của kinh tế vĩ mô năm nay có những sự khác biệt nên lãi suất VND thời gian tới (ít nhất đến hết quý 1 năm 2014) khả năng tiếp tục ổn định, thậm chí cơ thể giảm thêm.
Thứ nhất, áp lực tăng giá cả hàng hóa trên thị trường dường như không còn là quan ngại trong những tháng tới, CPI năm nay dự báo chỉ xoay quanh mức 6% do tâm lý phòng thủ và sức cầu trong nền kinh tế vẫn yếu.
Trước đây, khi có các thông tin như điều chỉnh lương cơ bản, hay giá điện, xăng dầu tăng,... thì việc tăng giá do tâm lý thường ở mức cao. Nhưng năm nay, tình hình đã khác đi rất nhiều.
Sau nhiều lần giá xăng dầu được điều chỉnh tăng cao, thậm chí tới mức cao nhất từ trước đến nay và các chi phí đầu vào cho sản xuất như lương, điện, nước dù có tăng, nhưng cầu yếu nên dù nhà sản xuất có muốn thì giá cả hàng hóa cũng khó tăng lên.
CPI trong 8 tháng đầu năm nay tăng 3,5%, nhưng nếu loại trừ việc điều chỉnh giá các mặt hàng nhà nước quản lý, thì chỉ ở mức 2,6% so với đầu năm.
Trong tháng 9, CPI được dự báo tăng khá cao nhưng phần lớn do điều chỉnh giá dịch vụ giáo dục tại Tp. HCM.
Nếu loại trừ việc tăng giá dịch vụ giáo dục này và đợt tăng giá điện gần đây, thì CPI cả nước tháng 9 dự báo chỉ khoảng 0,3% so với tháng 8, trong đó phần lớn là do tác động gián tiếp của các đợt tăng giá xăng dầu, và giá lương thực thực phẩm cao hơn.
Đến nay, việc tăng giá của hầu hết các mặt hàng do Nhà nước quản lý (điện, y tế, giáo dục,...) đã gần như hoàn tất cho năm 2013, nên yếu tố có thể tác động đến CPI dường như chỉ nằm nhiều ở nhóm lương thực thực phẩm, hay giá xăng dầu.
Theo dự báo của người viết, CPI tháng 9 này so với cùng kỳ sẽ giảm mạnh xuống mức 6,4% (từ mức 7,5% của tháng 8), sau đó xoay quanh mức 6% ở các tháng tiếp theo, ít nhất là tới tháng 3/2014.
Dự báo này dựa trên cơ sở sức cầu yếu, kinh tế phục hồi diễn ra chậm, giá dầu thế giới tăng ở mức vừa phải nhưng không mạnh do xung đột ở Trung Đông đã bớt căng thẳng, kinh tế thế giới vẫn yếu, nên cầu đối với xăng dầu khó tăng liên tục.
Thứ hai, các cân đối vĩ mô của Việt Nam được duy trì tốt, nên Ngân hàng Nhà nước có khả năng kiểm soát tỷ giá USD/VND, mà không nhất thiết phải tăng lãi suất VND.
Sức cầu nền kinh tế vẫn yếu, nên nhập khẩu hạn chế, trong khi xuất khẩu của Việt Nam vẫn được duy trì, trong đó xuất khẩu hàng điện tử, linh kiện, máy tính, điện thoại đạt kim ngạch và tốc độ tăng trưởng ấn tượng.
Cán cân thương mại 8 tháng đầu năm chỉ thâm hụt ở mức 577 triệu USD và khả năng mức thâm hụt cả năm nay sẽ tăng lên nhưng không lớn. Xét về tổng thể, cán cân thanh toán của Việt Nam năm nay được Ngân hàng Nhà nước dự báo mức thặng dư 5 tỷ USD, trong đó giải ngân FDI và kiều hối vẫn được duy trì vững chắc và tăng lên, trong khi vay nợ nước ngoài được kiểm soát.
Qua theo dõi, mặc dù một số nước chịu ảnh hưởng mạnh từ khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giảm dần và kết thúc chương trình mua trái phiếu trị giá 85 tỷ USD/tháng như Ấn Độ, Brazil, Indonesia, ... tuy nhiên, làn sóng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài khỏi các thị trường mới nổi không có tác động mạnh đến Việt Nam. Thực tế, những ngày gần đây, nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại mua ròng trên thị trường chứng khoán.
Trong khi USD lên giá mạnh so với đồng tiền của các nước nêu trên, thì ở Việt Nam tỷ giá USD/VND thị trường liên ngân hàng lại hiện giảm xuống 21.120 đồng chiều mua và 21.125 đồng chiều bán ra (từ mức 21.150 đồng và 21.170 đồng hồi cuối tháng 8). Niềm tin vào khả năng ổn định của tỷ giá do cung cầu bảo đảm có thể là nguyên nhân đã làm cho thị trường giảm mạnh hành vi giữ ngoại tệ.
Theo đánh giá của người viết, trong trường hợp tỷ giá biến động do tâm lý, các yếu tố bên ngoài, kể cả việc đồng tiền của một số nước trong khu vực giảm giá so với USD, hoặc cung cầu chưa cân đối ở một số thời điểm,... thì cơ quan quản lý có thể kiểm soát bằng cách biện pháp phù hợp, kể cả mua bán can thiệp trên thị trường, hoặc có sự điều chỉnh nhưng không lớn, mà không cần phải điều chỉnh tăng lãi suất VND để tránh tác động xấu tới tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, kinh tế Việt Nam đến nay dù có một số dấu hiệu phục hồi, nhưng tăng trưởng vẫn chậm, nên khả năng lãi suất VND tiếp tục được giữ ổn định, và có thể giảm thêm.
Việc tái cơ cấu đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng đang được thực thi, nhưng quá trình thực hiện sẽ cần nhiều thời gian để mang lại chuyển biến lớn.
Biện pháp xử lý nợ xấu và thúc đẩy thị trường bất động sản qua gói tín dụng nhà ở xã hội có thể sẽ phát huy tác dụng hơn trong năm 2014. Kinh tế còn khó khăn, thu ngân sách nhà nước trong 8 tháng đầu năm nay chỉ đạt 59,4% so với dự toán, nên dư địa của chính sách tài khóa nhằm kích thích tăng trưởng là hạn chế.
Bởi vậy, việc duy trì lãi suất ổn định ở mức như hiện nay, hoặc nếu có thể thì giảm thêm, sẽ góp phần quan trọng để các doanh nghiệp giảm chi phí hoạt động, cũng như khuyến khích tiêu dùng trong nền kinh tế.
Bên cạnh đó, áp lực tăng giá cả thị trường không lớn sẽ tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước chủ động cung ứng và điều tiết thanh khoản vào dịp Tết Giáp Ngọ năm nay, nên ít khả năng lãi suất tăng mạnh và kéo dài do yếu tố thời vụ.
Việc duy trì thanh khoản hệ thống và mức lãi suất hợp lý cũng sẽ giúp hạn chế tác động làm tăng lợi suất trái phiếu chính phủ trong trường hợp Chính phủ cần thu hút thêm vốn từ nguồn phát hành để đáp ứng cho nhu cầu đầu tư phát triển.
Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ trong nghị quyết cuộc họp tháng 8 về điều hành lãi suất phù hợp với mục tiêu lạm phát 2013 khoảng 7%.
Theo Thái Hà
VnEconomy