Tin kinh tế
Truyền hình trả tiền sắp “nổi sóng” vì DN viễn thông?
DN viễn thông nhảy vào thị trường truyền hình trả tiền được kỳ vọng sẽ giúp giảm giá dịch vụ
Truyền hình trả tiền sẽ cạnh tranh quyết liệt
Tại Việt Nam, thị trường truyền hình trả tiền hiện có gần 50 thương
hiệu đang tham gia cung cấp dịch vụ như Truyền hình cáp Hà Nội (HCaTV),
Truyền hình kỹ thuật số Việt Nam VTC, HTVC, VSTV (K+), SCTV… với khoảng
4,5 triệu thuê bao (vệ tinh, IPTV, truyền hình cáp...) chủ yếu tập
trung tại khu vực đô thị.
Đáng chú ý, năm 2012, một số tên tuổi như VNPT, FPT Telecom, AVG
(Truyền hình An Viên) và Viettel đệ đơn lên Bộ TT&TT xin cấp phép để
sớm nhảy vào lĩnh vực này.
Động thái nói trên được thị trường kỳ vọng là với sự góp mặt của
các doanh nghiệp viễn thông, truyền hình trả tiền tại Việt Nam sẽ bùng
nổ, đồng thời đi theo chiều hướng có lợi cho người dùng vì thúc đẩy cạnh
tranh mạnh hơn.
Trước thực tế này, tại Tọa đàm Triển vọng viễn thông 2013 diễn ra
ngày 27/12, Câu lạc bộ Nhà báo CNTT-TT Việt Nam nhận định bước sang năm
2013, thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam sẽ trở nên “nóng” hơn
trong câu chuyện sáp nhập và cạnh tranh. Bởi lẽ, sẽ các doanh nghiệp
viễn thông có thế mạnh về mạng truyền dẫn có thể cung cấp cho khách hàng
dịch vụ truyền hình trả tiền với chất lượng tốt và giá cước hợp lý
hơn.
Lo ngại mất miếng bánh thị phần, ngay từ cách đây vài tháng, VTV,
SCTV, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam… đã đồng loạt có văn bản
gửi Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT đề nghị có ý kiến đòi "ngăn
sông cấm chợ" để không cho các doanh nghiệp viễn thông tham gia. Thậm
chí, họ cho rằng đây là hoạt động đầu tư ngoài ngành của viễn thông, dễ
gây ra lãng phí nguồn lực và hơn hết là sẽ tạo môi trường cạnh tranh
không lành mạnh.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Hải –
Giám đốc Công ty Điện toán và Truyền số liệu (VDC) cho rằng rõ ràng sự
cạnh tranh đương nhiên sẽ trở nên lớn hơn khi có nhiều doanh nghiệp viễn
thông với lợi thế về hạ tầng, kênh phân phối, công nghệ nhảy vào “tham
chiến”
Tuy nhiên, ông Hải bày tỏ sự cạnh tranh ở lĩnh vực truyền hình trả tiền tại Việt Nam dù vậy vẫn chưa khốc liệt.
Còn ông Trương Gia Bình, Chủ tịch kiểm Tổng giám đốc FPT, thì bản
chất của truyền hình trả tiền tại Việt Nam thực ra “vẫn chưa mở đối với
một số đối tượng”. Ông Bình nhấn mạnh, nếu không cho doanh nghiệp viễn
thông nhảy vào lĩnh vực này thì việc tốn kém đầu tiên là xã hội. Bởi,
khi các dịch vụ mạng hội tụ rất nhiều trên cùng một đường cáp thì nếu
doanh nghiệp chỉ cung cấp một dịch vụ trên đường cáp đó sẽ không thể tồn
tại được. Mà như thế, nếu một đường truyền cho truyền hình, một đường
cho điện thoại… thì hạ tầng cần phải xây rất nhiều đường, tức là cũng sẽ
kéo luôn theo sự chậm phát triển của thị trường.
Mới đây nhất, tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2013 do Bộ
TT&TT tổ chức hôm 24/12, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc
Tập đoàn Viettel cho rằng việc Viettel xin cấp phép tham gia thị trường
truyền hình trả tiền (từ tháng 2/1012 – PV) nhưng hiện chưa được cấp
phép. Và với tiềm lực hiện có, nếu hạ tầng cáp quang đến xã đầu tư thêm
để cung cấp truyền hình cáp sẽ giảm chi phí đầu tư từ hai đến ba lần,
giúp cho dịch vụ có thể phổ cập đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Doanh nghiệp viễn thông đủ tiềm lực sẽ được cấp phép
Trước ý kiến của Viettel tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ năm 2013
của Bộ TT&TT, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ quan điểm đồng
tình để doanh nghiệp phát triển khi có khả năng và mong muốn triển khai
các dịch vụ mới, vì thế cơ quan quản lý nên bàn bạc hỗ trợ.
Về trường hợp Viettel, Phó Thủ tướng chỉ đạo chậm nhất là tháng
2/2013, Bộ TT&TT cần trao đổi, có ý kiến trả lời doanh nghiệp về
việc triển khai dịch vụ mới và báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ trong
tháng 2/2013.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son
cũng cho biết ngay trong tháng 2 sẽ xem xét trường hợp của Viettel để
báo cáo Chính phủ.
Tại Tọa đàm Triển vọng thị trường viễn thông 2013, Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, trước
2010, truyền hình vẫn được coi là lĩnh vực báo chí, ai làm truyền hình
thì làm cả hạ tầng. Khi đó, Bộ TT&TT cũng đã thấy được vấn đề này.
Cuộc "cách mạng" về truyền hình là ban hành quy hoạch phát sóng phát
thanh truyền hình, xác định hạ tầng truyền dẫn cho phát thanh tuyền hình
là hạ tầng viễn thông, còn nội dung truyền hình mới coi là lĩnh vực báo
chí. Tách ra như vậy để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia cung
cấp hạ tầng truyền dẫn phát sóng. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ TT&TT
đưa ra khái niệm dịch vụ truyền hình. Vừa rồi Thủ tướng ban hành tiếp
quyết định về truyền hình trả tiền, đây là thay đổi tư duy dẫn đến thay
đổi trong chính sách.
Như vậy, việc các doanh nghiệp viễn thông sẽ tham gia vào phần
truyền trong việc cung cấp dịch vụ truyền hình cấp. Việc cung cấp dịch
vụ này sẽ được áp dụng theo Luật Viễn thông.
Theo Phan Minh
ICTNews