Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 20 năm qua, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trên 78,195 tỷ USD vốn ODA, trong đó đã ký kết hiệp định chính thức 58,463 tỷ USD.
CPI cả nước tăng 0,34% trong tháng 11
Tổng cục thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng cả nước tháng 11 năm 2013. Sau tháng 9 tăng mạnh do bước vào năm học mới, CPI chững lại trong 2 tháng 10 và 11.
So với tháng 10, CPI cả nước tăng 0,34%. Như vậy, nếu so với kỳ gốc năm 2009, trong hơn 4 năm, chỉ số giá tiêu dùng cả nước đã tăng 54,91%.
Tăng mạnh nhất vẫn là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống, tăng 0,62% so với tháng 10 năm nay. Sau quyết định tăng giá cước 3G, nhóm hàng bưu chính viễn thông nói chung vẫn ghi nhận giảm giá 0,2% trong tháng 11, là 1 trong 2 nhóm hàng hóa dịch vụ giảm giá trong tháng 11 năm nay (Nhóm còn lại là Giao thông - giảm 0,34%).
Thuốc và dịch vụ y tế là nhóm có chỉ số giá ổn định nhất, tăng 0,07% so với tháng 10, trong đó nhóm dịch vụ y tế gần như giữ nguyên, chỉ tăng 0,01%. Như vậy, có thể thấy nhóm thuốc chữa bệnh đã tăng hơn 0,07% trong kỳ.
Trong đó CPI TP. HCM tăng 0,17% so với tháng 10 tăng 0,17%,. Mức tăng CPI tháng 11 so với tháng 10 bằng mức tăng của tháng 10 so với tháng trước đó.
Và chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Hà Nội tháng 11 tăng 0,26% so tháng trước và tăng 6,94% so với cùng kỳ năm trước.
Nửa đầu tháng 11 xuất siêu gần 200 triệu USD
Theo thông tin từ Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, nửa đầu tháng 11 tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 11,3 tỷ USD; trong đó xuất khẩu đạt 5,74 tỷ USD, nhập khẩu đạt 5,54 tỷ USD. Khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp 65% giá trị xuất khẩu và 57% giá trị nhập khẩu.
Lũy kế từ đầu năm đến hết ngày 15/11/2013 xuất khẩu của cả nước đạt 114,368 tỷ USD; nhập khẩu đạt 114,372 tỷ USD. Khu vực FDI đóng góp 62% giá trị xuất khẩu và 57% giá trị nhập khẩu.
Với kết quả này, nửa đầu tháng 11 Việt Nam xuất siêu 196 triệu USD; giúp giảm thâm hụt thương mại của cả nước xuống còn gần 4 triệu USD. Riêng khu vực FDI nửa đầu tháng 11 đã xuất siêu 580 triệu USD. So với tháng 10 xuất siêu cả nước 100 triệu USD, khu vực FDI đạt 918 triệu USD, cho thấy mức độ nhập siêu của khối doanh nghiệp trong nước đã giảm.
Tính đến hết ngày 15/11/2013, nhóm dệt may, giày da, túi xách, ví đã xuất khẩu đạt gần 25 tỷ USD trong đó dệt may và nguyên phụ liệu đạt 16,3 tỷ USD; giày dép các loại 7 tỷ USD; túi xách, ví… đạt 1,6 tỷ USD. Thủy sản đạt 5,8 tỷ USD; gạo 2,7 tỷ USD; cao su đạt 2,1 tỷ USD; cà phê 2,4 tỷ USD; hạt điều 1,4 tỷ USD.
Nợ công của Việt Nam có thể lên đến 95% GDP
Theo báo cáo do nhóm tư vấn chính sách vĩ mô thuộc Ủy ban kinh tế của Quốc hội phát hành ngày 22-11 mang tên: “Thách thức còn ở phía trước”.
Với báo cáo này, ước tính đến hết năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam là vào khoảng 55,4% GDP. Trong đó nợ công nước ngoài và nợ công trong nước lần lượt là 29,6% và 25,8%% GDP (so với các con số tương ứng của năm 2011 là 54,9% GDP, 30,9% và 24,0% GDP).
Nếu tính cả nợ doanh nghiệp (chủ yếu là DNNN), nợ công của Việt Nam năm 2012 có thể lên đến khoảng 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn (60% GDP).
Uớc tính đến hết năm 2012, tổng nợ công của Việt Nam khoảng 55,4% GDP. Tuy nhiên nếu tính cả khoản nợ nước ngoài của khu vực doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước - DNNN) không được Chính phủ bảo lãnh, nợ bằng trái phiếu trong nước không được Chính phủ bảo lãnh khác của DNNN thì nợ công của Việt Nam có thể lên đến khoảng 95% GDP, vượt xa ngưỡng an toàn (60% GDP).
Lương tối thiểu sắp tăng cao nhất 2,7 triệu đồng/tháng
Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với khối doanh nghiệp từ 1/1/2014 sẽ từ 1,4-1,7 triệu/tháng, đáp ứng 66-79% nhu cầu sống tối thiểu của người lao động.
Theo đó, người lao động trong các tổ chức nói trên sẽ được hưởng mức lương tối thiểu vùng áp dụng từ ngày 1/1/2014 như sau: Vùng 1 là 2,7 triệu đồng/tháng; vùng 2 là 2,4 triệu đồng/tháng; vùng 3 là 2,1 triệu đồng/tháng; vùng 4 là 1,9 triệu đồng/tháng.
So với mức lương tối thiểu vùng hiện hành, mức lương tối thiểu vùng sắp áp dụng sẽ cao hơn khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/tháng.
Nghị định cũng nêu rõ, mức lương tối thiểu vùng như trên là cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận tiền lương, bảo đảm mức tiền lương tính theo tháng trả cho người lao động chưa qua đào tạo làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.
HSBC: Năm 2014 kinh tế Việt Nam tăng trưởng ở mức 5,4%
Báo cáo Triển vọng kinh tế vĩ mô Việt Nam tháng 11/2013 của Ngân hàng HSBC cho rằng, nền kinh tế ngày càng chuyển biến tốt, tuy còn chậm nhưng chắc chắn.
Báo cáo nhận định, đây là tháng thứ hai liên tiếp số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới được ghi nhận tăng và đà tăng trưởng vẫn còn mạnh.
Bên cạnh đó, kinh tế vĩ mô ổn định hơn với tiền tệ, lạm phát và các yếu tố bên ngoài bền vững hơn. Báo cáo cũng nhấn mạnh, trong khi những điều tồi tệ nhất về một nền kinh tế trì trệ dường như đã được vượt qua, tăng trưởng trong ngắn hạn vẫn còn thấp do nhu cầu nội địa còn chậm chạp.
Mặc dù đà hồi phục hy vọng sẽ tiếp tục trong năm 2014, nhưng năm 2014 mức tăng trưởng cũng chỉ có thể tăng trưởng nhẹ ở mức 5,4%. Sự suy giảm là một thực tế nghiêm túc cho thấy khủng hoảng nợ xấu đã làm giảm ham muốn tiêu dùng và sức hấp dẫn của đầu tư.
20 năm, giải ngân 37,597 tỷ USD vốn ODA cho Việt Nam
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 20 năm qua, các nhà tài trợ đã cam kết dành cho Việt Nam trên 78,195 tỷ USD vốn ODA, trong đó đã ký kết hiệp định chính thức 58,463 tỷ USD.
Với 37,597 tỷ USD vốn giải ngân, rất nhiều chương trình, dự án sử dụng vốn ODA đã được đưa vào sử dụng, tạo nền tảng cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Bộ KHĐT đánh giá: Trong thời gian qua, ODA có mặt ở hầu hết các lĩnh vực cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội. Việc sử dụng vốn ODA đã góp phần tăng trưởng kinh tế và cải thiện đời sống cho Việt Nam. Việt Nam đã sử dụng một cách hiệu quả từng đồng vốn ODA, như đã cam kết với các nhà tài trợ.
Không chỉ khẳng định từ phía Việt Nam, tại buổi “đối thoại chính sách ODA và đối thoại về ODA vốn vay Nhật Bản dành cho Việt Nam tài khóa 2013” vừa được tổ chức tại Bộ KHĐT, cộng đồng các nhà tài trợ quốc tế cũng đánh giá cao việc Việt Nam đã sử dụng vốn ODA đúng mục đích và mang lại hiệu quả cao.
Theo Trí Thức Trẻ