Từ giữa tuần trước tới đầu tuần này, câu
chuyện tỷ giá lại nóng bên bàn cà phê lạnh của những người không chuyên.
Có chút gì như lo lắng hiện diện trên khuôn mặt của không chỉ công chức
văn phòng, giới doanh nhân, bà nội trợ, mà cả nhiều người đang hoạt
động trên thị trường tài chính khi tỷ giá liên ngân hàng tăng 75 điểm
lên 21.020 vào cuối tuần trước và có lúc đã chạm 21.040 vào đầu tuần này
trước khi hạ nhiệt về mức 21.000.
Dù gì thì cách đây dăm năm, tỷ
giá mới “chưa đến 16” mà nay đã gần 21 (nghìn Việt Nam đồng đổi 1 Đôla
Mỹ), vết sẹo tỷ giá không thể vì mới một năm rưỡi ổn định mà đã nhạt
phai, nhất là với những nhà quản lý quỹ phải báo cáo thành tích hoạt
động của mình bằng đơn vị ngoại tệ.
Nhưng nét âu lo ấy lại ít được
các tay giao dịch ngoại hối chuyện nghiệp chia sẻ, nhất là cho câu hỏi
“Tỷ giá có tăng hay không?” mà những người không chuyên vẫn hay thắc mắc
với hàm ý “Liệu tỷ giá có vượt 22 hay không?”.
"...nét âu lo ấy lại ít được các tay giao dịch ngoại hối chuyện nghiệp chia sẻ."
|
Với
họ, tỷ giá USD/VND vẫn đang bò chầm chậm trên con dốc mà phải có chút
tinh mắt ta mới biết đó không phải mặt phẳng, và đợt ‘chạy’ tuần vừa rồi
cũng chỉ giống như một cú sóc nhẹ tạm thời: rồi thì đâu cũng sẽ lại vào
đấy. Mọi thứ hoàn toàn trong tầm kiểm soát và vẫn đang đi đúng theo dự
đoán.
Vì sao có sóc?
Biến động thị trường
luôn liên quan tới một tin đồn nào đó. Lần này có tới tận hai tin, và
toàn tin “sốc” cả: (1) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến sẽ hạn chế đáng
kể bán USD cho các Ngân hàng thương mại (NHTM); và (2) NHNN sẽ tăng tỷ
giá.
Tin đồn thứ nhất có lẽ là dựa trên việc tuần vừa rồi NHNN
không bán ra USD, dù vẫn niêm yết tỷ giá giao dịch với các NHTM ở mức
20.850-20.950. Tuy vậy, theo một nguồn tin, tới chiều ngày thứ hai, NHNN
đã bán ra trở lại.
"[có]
giả thuyết hai tin đồn này chỉ là do một số tổ chức dư thừa ngoại tệ cố
tình chắp nối các sự kiện sẵn có để tạo ra sóng tăng giả tạo."
|
Về
tin đồn thứ hai, đúng là NHNN có tăng tỷ giá, nhưng đó là tỷ giá bán
cho NHTM (lên mức 21.055, chỉ trong một thời gian ngắn buổi sáng và cuối
giờ chiều lại về 20.950 như cũ), chứ không phải cái tỷ giá bình quân
liên ngân hàng (vẫn ổn định ở 20.828 từ cuối năm 2011) mà nhiều người
vẫn lầm tưởng.
Một số giao dịch viên còn đặt giả thuyết hai tin
đồn này chỉ là do một số tổ chức dư thừa ngoại tệ cố tình chắp nối các
sự kiện sẵn có để tạo ra sóng tăng giả tạo, ép các ngân hàng đang âm
trạng thái ngoại hối phải mua vào USD với giá cao. (Giao dịch viên này
làm việc tại một ngân hàng có “truyền thống” âm trạng thái ngoại hối).
Dù
nghi vấn này đúng hay sai, thì rõ ràng việc một số ngân hàng âm trạng
thái ngoại tệ mua vào chắc chắn đã có ảnh hưởng tới tỷ giá, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết.
Hỏi
chuyện một giao dịch viên khác đang làm việc tại một ngân hàng thuộc
loại dư thừa ngoại tệ, anh này cho biết tất cả những tin đồn trên không
mới, thị trường ổn định và “nói chung là tôi vẫn bình chân như vại”. Anh
này nói thêm, “bao giờ có tin ngân hàng tôi sắp bán mà ‘bọn nó’ chả
đánh xuống”.
Vì sao có dốc?
Tỷ giá đã trong
xu hướng tăng kể từ trước Tết nguyên đán, mà khởi đầu là khi thành viên
Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Lê Xuân Nghĩa và Phó Chủ
tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng lên tiếng khuyên NHNN “phá
giá VNĐ”.
Nhưng các tay chơi trên thị trường ngoại hối đều rất am
tưởng về tài chính – kinh tế, nên nếu không có chứng lý chắc chắn đi
kèm, thì vài chiếc card visit uy quyền nhiều lắm chỉ tạo ra một “cú
sóc”, chứ không thể tạo ra một “xu hướng”. Chuyện tăng tỷ giá, nhất là
trong dài hạn, phải là do các yếu tố nội tại của nền kinh tế.
"một
số ngân hàng trước đó đã bán khống USD nay mua dần vào để cân bằng
trạng thái, giảm rủi ro tỷ giá và tạo ra một “con dốc” nhỏ trên thị
trường liên ngân hàng."
|
Lạm
phát tại Mỹ thấp hơn lạm phát Việt Nam cỡ khoảng 5-5,5%, điều này ắt
làm kỳ vọng lạm phát của tiền đồng phải cao hơn đôla Mỹ. Lãi suất tại
Việt Nam cũng cao hơn ở Mỹ. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 2
năm chỉ là 0,26% trong khi lợi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam cùng
kỳ hạn lên tới 7,1%.
“Đúng sách” mà nói, hai thực tế trên tạo ra áp lực đẩy tỷ giá USD/VND theo hướng đi lên, nhất là trong dài hạn.
Có
nhiều ý kiến cho rằng, trong ngắn hạn, cung cầu ngoại hối mới là thứ
quyết định. Ví như năm 2012 thâm hụt thương mại ít, kiều hối dồi dào,
doanh nghiệp lại không muốn giữ USD do lãi suất quá thấp nên tỷ giá
không những ổn định mà còn giảm xuống.
Nhưng rõ ràng, nếu chênh
lệch lãi suất và lạm phát càng nhiều, trong khoảng thời gian càng lâu,
thì thị trường lại càng có niềm tin rằng: tỷ giá sẽ tăng. Bên cạnh đó,
lãi suất cho vay hạ khiến nhiều người nghĩ đầu tư dưới dạng máy móc
thiết bị nhập khẩu sẽ tăng, làm tăng cầu ngoại tệ và tăng tỷ giá trong
thời gian sắp tới.
"... phần tiền đáng lẽ họ dành để mua vàng, nay được dùng để mua USD, góp phần đẩy tỷ giá tăng."
|
Hiểu
được bối cảnh này, từ sau Tết, một số ngân hàng trước đó đã bán khống
USD nay mua dần vào để cân bằng trạng thái, giảm rủi ro tỷ giá và tạo ra
một “con dốc” nhỏ trên thị trường liên ngân hàng.
Trên thị trường tự do, “con dốc” này ‘cao’ hơn, và chủ yếu là vì giá vàng thế giới rớt quá nhanh.
Thứ
nhất, vì rớt nhanh lại đúng giai đoạn một số NHTM gấp rút mua vào tất
toán trạng thái nên chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới doãng
rộng, kích thích hoạt động nhập lậu vàng qua biên giới. Muốn nhập lậu
phải dùng tới USD, khiến cầu USD tăng và tỷ giá trên thị trường tự do
tăng.
Thứ hai, vàng và đôla vốn là các công cụ phòng ngừa rủi ro
vĩ mô ưa thích của người Việt Nam. Vì vàng rớt quá mạnh lại có thêm vô
số nhận định bi quan trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nên
nhiều người dân cảm thấy vàng quá rủi ro, và phần tiền đáng lẽ họ dành
để mua vàng, nay được dùng để mua USD, góp phần đẩy tỷ giá tăng.
Cuối
cùng, “cú sóc” kể trên tạo ra một “hiệu ứng động lượng” khi một số nhà
đầu tư thấy USD tăng cũng “mua một ít” theo xu hướng thị trường.
Đôla Mỹ hay Việt Nam đồng?
“Trong
vòng một năm nữa, NHNN hạ giá tiền đồng 2% là kịch kim, cộng thêm 2%
lãi suất mới là 4%/năm. Trong khi đó gửi VNĐ được tận 7,5%/năm, tội gì
mà cầm USD? Không buôn bán ngoại hối, lo lắng làm gì cho mệt đầu”, quản
lý của một ngân hàng nói. Ông này cho biết thêm “dân ngoại hối hầu hết
đều kỳ vọng NHNN sẽ điều chỉnh tỷ giá 1-2% trong mấy tháng tới, nhưng
mấy tháng trước cũng kỳ vọng y như vậy, mà giờ chưa thấy gì”.
"Năm nay [tỷ giá] nếu có dao động cũng tầm 2-3%," Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời phỏng vấn hồi cuối tháng 2.
Có
một điều chắc chắn, vị quản lý ngân hàng nói trên khẳng định, là sẽ
không có chuyện sáng dậy bất ngờ nhận được thông báo tăng tỷ giá như hồi
đầu năm 2011. NHNN sẽ có một số động thái thăm dò thị trường trước, và
chỉ đến khi chuyện tăng tỷ giá đã ‘chẳng còn gì mà phải xúc động’, thì
tỷ giá mới tăng.