Tin kinh tế
“Lãi suất cho vay chỉ nên 9-10%”
Nhìn nhận doanh nghiệp đang rất khó khăn, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn cho rằng cần sớm có giải pháp tăng chi đầu tư công, đồng thời linh hoạt hơn nữa các chính sách tài khóa, tiền tệ.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Vũ Viết Ngoạn: "Cần tăng chi đầu tư công một cách hợp lý để vực dậy nền kinh tế".
Kinh tế 5 tháng đầu năm nhiều gam màu xám theo đánh giá của các chuyên gia. Còn ông cảm nhận thế nào?
Thực tế đã có một số chuyển biến. Chỉ số sản xuất công nghiệp đang dần trở lại xu hướng tăng, tháng sau cao hơn tháng trước và cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái. Lạm phát kiểm soát tốt, kinh tế vĩ mô ổn định, dự trữ ngoại hối tăng lên mức kỷ lục, giá trị đồng Việt Nam được củng cố. Đây là thành quả hết sức quan trọng, là nền tảng vững chắc tạo đà phát triển cho những năm sau.
Nhưng chúng ta đang phải chấp nhận chi phí đắt vì thực hiện các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Doanh nghiệp đang ở thời điểm khó khăn nhất trong 2-3 năm khủng hoảng vừa qua, mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5,5% cả năm nay hết sức thách thức. Cần có giải pháp giảm bớt tác động phụ của chính sách thắt chặt tới doanh nghiệp.
Lạm phát nhiều khả năng đạt 6-6,5%, trong khi mục tiêu tăng trưởng kinh tế đang hết sức khó khăn, vì vậy trong những tháng còn lại của năm các chính sách vĩ mô cần ưu tiên hơn cho tăng trưởng. Một mặt tiếp tục triển khai Nghị quyết 02 về hỗ trợ doanh nghiệp, thị trường, mặt khác Chính phủ cần tăng chi đầu tư công, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu của nền kinh tế đang rất yếu như hiện nay. Chính sách tài khóa và tiền tệ cần linh hoạt hơn, lãi suất phải giảm thấp nữa, tỷ giá điều chỉnh trong biên độ phù hợp.
Lãi suất cho vay theo ông phải ở mức bao nhiêu mới phù hợp?
Lãi suất cho vay bình quân hiện nay của nhiều ngân hàng khoảng 12% một năm, như vậy vẫn còn cao. Dựa trên kỳ vọng lạm phát cả năm, mục tiêu ổn định tỷ giá và thúc đẩy tăng trưởng, tôi cho rằng cần tiếp tục hạ mặt bằng lãi suất cho vay xuống 9-10%. Có như vậy mới khuyến khích doanh nghiệp vay vốn đầu tư sản xuất. Vừa qua một số ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất thấp hơn mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước, điều đó cho thấy thị trường đã có tín hiệu tích cực. Vì vậy, cần nghiên cứu thời điểm thích hợp xóa bỏ quy định trần lãi suất huy động nhằm giúp thị trường tăng khả năng tự điều tiết.
Nhưng phía ngân hàng cho rằng lãi suất giảm lúc này không có nhiều ý nghĩa bởi doanh nghiệp quá yếu, không đủ sức hấp thụ vốn vay?
Đúng là có doanh nghiệp lãi suất 0% họ cũng không vay. Nhưng tôi không đồng ý với quan điểm cho rằng phần lớn doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn ngân hàng lúc này. Quy mô tín dụng lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng, như thế không có nghĩa là không có nhu cầu vay. Cả hệ thống đang tìm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, vực dậy sản xuất kinh doanh. Ngân sách nhà nước cũng chấp nhận hy sinh để giảm thuế cho doanh nghiệp. Nếu nói giảm lãi suất không có tác dụng thì hà cớ gì chúng ta phải giảm thuế?
Vốn vay ngân hàng đang chiếm tỷ lệ rất lớn trong cơ cấu nguồn vốn của doanh nghiệp. Giảm lãi suất vì thế là khoản hỗ trợ tài chính quan trọng, điều này hợp lý xét trên cả phương diện lý luận lẫn thực tiễn. Lãi suất là giá của tiền tệ, là điểm cân bằng cung cầu tiền tệ. Vốn huy động vào ngân hàng vẫn tăng cao trong khi cho vay ra rất thấp, điều đó đủ cho thấy lãi suất hiện nay không phù hợp với cung cầu thị trường. Hơn nữa, cả thế giới cũng đang áp dụng lãi suất thấp, không lẽ họ không biết làm như vậy là vô nghĩa.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước từng tuyên bố tỷ giá cả năm tăng không quá 2%. Biên độ điều chỉnh đó theo ông đã phù hợp?
Biên độ như Thống đốc nói là phù hợp, nhưng việc điều chỉnh thực tế cần linh hoạt hơn. Nếu tỷ giá cố định như hiện nay sẽ tạo sức ép trong tương lai và gây khó khăn cho doanh nghiệp trong ngắn hạn. Từ nay đến cuối năm theo tôi cần điều chỉnh khoảng 2%.
Thực trạng doanh nghiệp khó khăn đã được lường trước từ năm ngoái, chủ trương chính sách hỗ trợ cũng đã đưa ra từ đầu năm nay. Nhưng theo ông tại sao tình hình vẫn chưa cải thiện?
Định hướng chính sách của chúng ta tốt nhưng triển khai trong thực tế còn chậm. Nghị quyết 02 với ba vấn đề tập trung giải quyết là xử lý nợ xấu, giải phóng hàng tồn kho và hỗ trợ phát triển thị trường bất động sản. Nhưng đến nay mới có gói giải pháp 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản được thông qua và hướng dẫn triển khai. Các giải pháp khác vẫn phải chờ hướng dẫn thêm. Tình trạng kinh tế tăng trưởng thấp đã kéo dài, doanh nghiệp ngày một khó khăn hơn so, vì thế không thể chần chừ thêm nữa.
Một số chuyên gia cho rằng cần thiết kế ngay gói kích cầu cỡ 100.000-200.000 tỷ đồng để vực dậy nền kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?
Dùng từ kích cầu có thể dẫn tới hiểu lầm, nhưng cần có những giải pháp mạnh hơn nhằm tạo cầu, thông qua các biện pháp tăng chi đầu tư công vào những công trình trọng điểm có quy mô lớn, những dự án sớm hoàn thành và hệ số lan tỏa cao.
Dự toán chi đầu tư phát triển năm năm nay thấp hơn so với năm trước. Chính phủ có thể đề xuất tăng nguồn chi từ trái phiếu, tăng hạn mức của năm nay hoặc xin ứng trước một khoản để chi cho nhu cầu cấp bách. Dù là biện pháp gì cũng cần triển khai sớm, dứt khoát mới mong có hiệu quả. Tuy nhiên mở rộng tổng cầu cũng nên ở mức độ vừa phải, không phá vỡ nền tảng ổn định vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Theo Vnexpress