Tin kinh tế
“Room” ngân hàng, chiếc áo quá chật cho NĐT ngoại
Room 30% theo các chuyên gia vẫn là một chiếc áo quá chật hẹp đối với mong muốn của cả nhà đầu tư ngoại lẫn các tổ chức tín dụng trong nước.
Tiềm lực về vốn và kinh nghiệm của nhà đầu tư nước ngoài có thể giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng trong nước. Tuy nhiên phương án này vẫn khó thực hiện bởi việc nới "room" còn nhiều do dự.
Dự thảo Nghị định về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam vừa được Ngân hàng Nhà nước đưa ra lấy ý kiến. Tỷ lệ sở hữu dành cho các nhà đầu tư nước ngoài hầu như không thay đổi so với hiện hành, theo đó, đối tác chiến lược được sở hữu không quá 20% vốn điều lệ và tổng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại một nhà băng không vượt 30%. Riêng với các ngân hàng yếu kém nằm trong diện cần tái cấu trúc, tỷ lệ sở hữu này có thể vượt 30% - tùy theo quyết định của Thủ tướng.
Phân tích các kênh có thể tài trợ cho việc tái cấp vốn các ngân hàng yếu kém, các chuyên gia của Standard Chartered cho rằng dùng vốn nước ngoài là một lựa chọn có nhiều thuận lợi. "Sự tham gia của vốn đầu tư nước ngoài sẽ cải thiện chất lượng tài sản ngành ngân hàng và cũng giúp các ngân hàng củng cố quản trị và quản lý rủi ro", ngân hàng này cho biết.
Nhiều ý kiến cho rằng mở cửa vốn nước ngoài chảy vào ngân hàng yếu kém có thể hỗ trợ quá trình tái cơ cấu ngân hàng hiện nay. Ảnh: Anh Quân.
Đồng tình với quan điểm nới "room" cho vốn ngoại trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng ngoài có nguồn vốn mạnh (khoảng vài trăm triệu USD mỗi ngân hàng), các ngân hàng ngoại thậm chí còn tuân thủ pháp luật và các quy định về quản trị rủi ro của Việt Nam cao hơn các nhà băng trong nước. "Cùng với việc bơm vốn, phuơng thức quản trị doanh nghiệp sẽ được thay đổi căn bản và ít còn tình trạng lạm quyền, tiêu cực tham nhũng trong công tác quản trị ngân hàng như trước", đại diện VAFI cho biết.
Chia sẻ quan điểm này, ông Saman Bandara - Phó tổng giám đốc dịch vụ Kế toán pháp lý của Ernst & Young Việt Nam cũng cho rằng ngân hàng là ngành có quy định pháp lý ràng buộc rất rõ ràng nên việc quản trị và tránh gian lận trong đối tượng doanh nghiệp này càng phải đề cao. Theo ông, ở bất cứ đâu đều cũng có thể xảy ra hành vi gian lận mà nguyên nhân đôi khi là sự thiếu hiểu biết hoặc có thể là vì vụ lợi. "Do vậy, sự có mặt của các đối tác ngoại có thể hỗ trợ việc phát hiện gian lận. Ví dụ trong hoạt động tín dụng, các ngân hàng yếu kém sau khi được bơm vốn sẽ bị đối tác yêu cầu đánh giá lại toàn bộ nợ truyền thống để góp phần lành mạnh hóa hoạt động tín dụng", ông Saman phân tích.
Dù vậy, room 30% theo các chuyên gia vẫn là một chiếc áo quá chật hẹp đối với mong muốn của cả nhà đầu tư ngoại lẫn các tổ chức tín dụng trong nước. Thực tế, tỷ lệ sở hữu của vốn ngoại tại nhiều nhà băng đã kịch mức cho phép trong khi nhu cầu tăng vốn điều lệ vẫn còn rất cao. "Tăng vốn sẽ bù đắp tỷ lệ an toàn (CAR) trong tương lai nên nhiều ngân hàng Việt, đặc biệt các nhà băng nhỏ có vốn từ 3.000 - 4.000 tỷ, đang rất thiết tha thu hút vốn ngoại", thành viên HĐQT của một ngân hàng lý giải.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu bình luận, tỷ lệ 30% thì vẫn chưa thể khuyến khích được các nhà đầu tư ngoại đổ vốn vào Việt Nam. Ông Hiếu cho biết, theo cam kết với WTO, đến năm 2020 tất cả trần về tỷ lệ cổ phần của ngân hàng ngoại nắm giữ tại tổ chức tín dụng Việt Nam sẽ phải gỡ bỏ. "Như vậy chỉ còn 8 năm nữa nên theo tôi cứ 2, 3 năm nên điều chỉnh 'room' một lần. Ngay trong dự thảo sửa đổi lần này có thể tăng lên 40% thay vì 30% để làm cơ sở, từ đó dần nâng lên 51% rồi 75%", ông Hiếu đề xuất.
Trong trường hợp nhà băng ngoại đầu tư vào ngân hàng yếu kém, "room" có thể sẽ vượt 30% và tùy theo mức quy định của Thủ tướng. Đây được xem là một trong những phương án để tạo thêm kênh tài trợ cho việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay. Tuy nhiên, không ít chuyên gia ngoại thẳng thắn thừa nhận, ngân hàng yếu khó hấp dẫn trong mắt họ. "Nếu chỉ được đầu tư vào ngân hàng yếu e là nước ngoài không quan tâm bởi như vậy sẽ không tốt cho uy tín của bên mua", một chuyên gia phân tích.
VAFI cũng cho rằng các ngân hàng ngoại sẽ không đầu tư vào ngân hàng yếu kém bằng mọi giá. Đối với ngân hàng yếu kém trong nước, cái gốc của yếu kém là vấn đề quản trị doanh nghiệp yếu kém. "Dù ngân hàng ngoại có hỗ trợ vốn cho họ hay họ gặp may huy động được vốn cổ phần thì về cơ bản quản trị vẫn yếu kém", VAFI nhìn nhận. Khi mua ngân hàng yếu trong nước, các nhà đầu tư ngoại luôn muốn nắm quyền kiểm soát nhưng với giới hạn tỷ lệ cổ phần thấp như hiện nay, việc này gần như bất khả thi.
Theo Vnexpress