Nợ xấu được cho là 1 trong 3 điểm
nghẽn của nền kinh tế hiện nay. Muốn kinh tế đi lên trước hết phải giải
quyết tốt nợ xấu và khơi dòng tín dụng ra thị trường.
Dù Ngân hàng
Nhà nước công bố nợ xấu của toàn hệ thống hiện khoảng 6% trên tổng dư
nợ, giảm đáng kể so với tỷ lệ 8,6% hồi cuối quý 3 năm ngoái, tuy nhiên,
các chuyên gia tài chính ngân hàng và một số tổ chức quốc tế lại cho
rằng con số thực về nợ xấu của Việt Nam cao hơn.
Chúng tôi đã có
cuộc trao đổi với ông Ambreesh Srivastava, giám đốc cấp cao tại Fitch về
vấn đề nợ xấu, tín dụng và tăng trưởng ở Việt Nam.
Phóng viên Trần Nguyễn: Thưa ông, ông có
thể đưa ra dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay, năm sau cũng như tác
động của nó đối với ngành ngân hàng Việt Nam?
Ông Ambreesh Srivastava, giám đốc cấp cao
tại Fitch: Sau năm
2011 và 2012 đầy khó khăn, tôi thấy rằng môi trường vĩ mô tại Việt Nam đã cải
thiện nhiều và nhờ chính sách tiền tệ đúng hướng ở thời điểm nửa cuối năm 2012.
Fitch dự báo GDP của Việt Nam năm 2013 và 2014 tăng trưởng khoảng từ 5,5% đến
6%, cải thiện nhẹ so với năm 2012 thế nhưng vẫn thấp so với thời kỳ tăng trưởng
trước đây. Và với bối cảnh vĩ mô như vậy, môi trường hoạt động của các ngân
hàng bớt khó khăn hơn so với 2 năm qua. Môi trường vĩ mô giúp cải thiện tình trạng
thắt chặt tín dụng. Thế nhưng để giải quyết được vấn đề trong lĩnh vực ngân
hàng, cần phải giải quyết triệt để vấn đề trong nhóm các doanh nghiệp nhà nước,
sở hữu chéo giữa các ngân hàng, củng cố tiềm lực vốn cho ngân hàng.
Theo số liệu mới
nhất của NHNN, tín dụng tháng 2 đã tăng trưởng nhẹ. Vậy ông có thể đưa ra bình
luận của mình?
Rõ ràng
năm 2012 thực sự khó khăn đối với những người đi vay tiền và các nhà hoạch định
chính sách vĩ mô, tình trạng thắt chặt tín dụng đã xảy ra. Nửa cuối năm 2012,
lãi suất đã bị cắt giảm mạnh tay, người vay tiền đã có thêm nhiều cơ hội để tiếp
cận với tín dụng. Dù thông tin về tín dụng mới công bố có thể phần nào tích cực
nhưng tăng trưởng tín dụng cả năm cũng sẽ không thể lên đến 2 con số. Dù sao đi
nữa thì trong khi một số lĩnh vực vẫn đối đầu với tình trạng thắt chặt tín dụng
thì thông tin tín dụng tăng trưởng trở lại là dấu hiệu đáng mừng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng số lượng
các ngân hàng tại Việt Nam sẽ giảm tới 60% trong khoảng vài năm tới do kết quả
của quá trình tái cơ cấu ngành ngân hàng, vậy ông có thể đưa ra dự báo của
mình?
Thật khó để
đưa ra dự báo về con số chính xác về số lượng các ngân hàng nhưng hiện có thể
thấy rằng hệ thống ngân hàng hiện còn quá phân tán, quá nhiều ngân hàng nhỏ,
nhóm ngân hàng này lại thiếu vốn. Còn nhìn từ góc độ quản trị, số lượng ngân
hàng cần giảm xuống mức dễ quản lý hơn và nhìn từ những thách thức mà ngành
ngân hàng đang đối đầu hiện nay, thực sự có một số ngân hàng cần phải được sáp
nhập.
Trong khoảng thời gian 2 tháng đầu năm,
theo công bố, tỷ lệ nợ xấu giảm từ 8% xuống 6%, một số ngân hàng giải quyết nợ
xấu bằng cách tăng dự phòng rủi ro, vậy theo ông cách làm này có hợp lý không?
Chúng ta
đã tranh cãi nhiều năm nay về việc tỷ lệ nợ xấu thực tế là bao nhiêu và chính
Fitch cũng đã phải tính toán nhiều về con số nợ xấu thực tế. Con số nợ xấu
không nói lên tất cả vấn đề. Tỷ lệ nợ xấu tại từng ngân hàng khác nhau và cách
tính toán của họ cũng vậy, chuẩn kế toán Việt Nam và thế giới khác nhau nên
cũng sẽ đưa ra nhiều con số không giống nhau.
Tôi có thể khẳng định rằng con số
nợ xấu thực tế của Việt Nam cao hơn so với công bố, nhưng cao hơn nhiều hay ít
thì không thể đưa ra 100% chính xác, còn theo Fitch thì nó khoảng 14 đến 15%.
Chính phủ đã biết điều này và đang đưa ra một số biện pháp mang lại hiệu quả nhất
định. Như tôi đã nói, nợ xấu chẳng phải là tất cả và Việt Nam còn nhiều vấn đề
lớn hơn cần phải giải quyết. Ít nhất thì việc các ngân hàng nâng trích lập dự
phòng rủi ro cũng là tốt cho hệ thống ngân hàng nói chung.
Xin cám ơn ông về những thông tin được
chia sẻ!