Tin kinh tế
Vì sao DN truyền hình cáp "sợ" DN viễn thông?
Sức mạnh hạ tầng và kinh nghiệm khai thác thị trường của các doanh nghiệp viễn thông là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp truyền hình cáp hiện nay mà đứng đầu là VTV không khỏi lo ngại về nguy cơ mất thị trường.
Nếu doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường truyền hình trả tiền, người dân sẽ có thêm cơ hội sử dụng dịch vụ giá rẻ và chất lượng. Ảnh: Thái Anh
"Tố" đầu tư ngoài ngành để chặn bước tiến của DN viễn thông?
Không thể phủ nhận sức mạnh hiện nay của các doanh nghiệp truyền
hình cáp như VCTV, HTV... chính là nội dung "của nhà trồng được". Đây
cũng chính là điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp viễn thông như
Viettel, FPT, VNPT nếu tham chiến thị trường truyền hình cáp. Thế nhưng,
để cung cấp dịch vụ truyền hình cáp đến các nhà thuê bao thì các doanh
nghiệp viễn thông lại đang có ưu thế về truyền dẫn. Trong khi đó, để xây
dựng mạng truyền dẫn phủ đến tận xã thì tốn rất nhiều công sức, tiền
bạc và với thực lực của các công ty truyền hình cáp đang cung cấp dịch
vụ thì đó là điều "bất khả thi". Vì vậy, ngay khi doanh nghiệp viễn
thông muốn nhảy vào lĩnh vực truyền hình cáp thì ngay lập tức VTV đã có
công văn "tố" rằng việc các tập đoàn kinh tế Viettel, VNPT, FPT dự kiến
đầu tư mới vào thị trường truyền hình cáp hiện nay là chưa phù hợp vì
Nhà nước đang có chủ trương không để các Tập đoàn kinh tế Nhà nước đầu
tư ngoài ngành.
Trước thông tin này, Bộ T&TT đã khẳng định, khuyến khích doanh
nghiệp tận dụng hạ tầng có sẵn của mình cung cấp đa dịch vụ trên đó, kể
cả truyền hình cáp, vì công nghệ đã hội tụ trên hạ tầng mạng. Bởi vậy,
Viettel, FPT, VNPT có thể sử dụng hạ tầng mạng đó để cung cấp nhiều dịch
vụ khác chứ không riêng gì truyền hình.
Như vậy, các doanh nghiệp viễn thông vào thị trường truyền hình cáp
chính là tận dụng thế mạnh của mình chứ không có chuyện đầu tư ngoài
ngành như VTV "tố".
Bình luận về vấn đề này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch kiêm Tổng
giám đốc FPT cho biết, truyền hình trả tiền tại Việt Nam thực ra “vẫn
chưa mở đối với một số đối tượng”. Ông Bình nhấn mạnh, nếu không cho
doanh nghiệp viễn thông nhảy vào lĩnh vực này thì việc tốn kém đầu tiên
là xã hội. Bởi, khi các dịch vụ mạng hội tụ rất nhiều trên cùng một
đường cáp, nếu doanh nghiệp chỉ cung cấp một dịch vụ trên đường cáp đó
sẽ không thể tồn tại được. Mà như thế, nếu một đường truyền cho truyền
hình, một đường cho điện thoại… thì hạ tầng cần phải xây rất nhiều
đường, tức là cũng sẽ kéo theo sự chậm phát triển của thị trường. Còn
ông Nguyễn Mạnh Hùng – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết, đến
thời điểm hiện nay, Viettel đã có 200.000 km cáp quang trên toàn quốc.
Hiện độ phủ của cáp quang đến các hộ gia đình trung bình là cách khoảng
350m, sắp tới Viettel sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn 200m, thậm chí
chỉ còn 100m vào năm 2015. Điều này có nghĩa là cáp quang đã đến sát mỗi
gia đình. Do đó, chi phí đầu tư truyền hình cáp, IPTV sẽ giảm đáng kể,
chất lượng cao và đặc biệt có thể lan đến vùng sâu, vùng xa.
Khách hàng đang kỳ vọng vào doanh nghiệp viễn thông
Người dùng đang kỳ vọng vào thị trường truyền hình trả tiền có sự
cạnh tranh mạnh mẽ khi có thêm nhiều doanh nghiệp có đủ tiềm lực “tham
chiến” thị trường này. Trong các đối thủ được xem là "nguy hiểm" nhất
thì đứng đầu là Viettel, tiếp đến là VNPT, bởi hai doanh nghiệp này đang
có hạ tầng rộng nhất, phủ kín đến xã. Nhiều người mong muốn những gì
Viettel đã thể hiện ở dịch vụ di động có thể được mang sang để làm bùng
nổ thị trường truyền hình cáp, đặc biệt là vùng nông thôn. Để tạo nên sự
bùng nổ của dịch vụ này vẫn phải đảm bảo trên hai nền tảng chính là giá
và chất lượng dịch vụ, đây lại là điểm mạnh nhất hiện nay của Viettel.
Nhiều ý kiến cho rằng, khi Viettel đã tiếp cận lớp khách hàng này
sẽ đem lại lợi thế quy mô để cung cấp các loại dịch vụ theo kiểu “All in
one” (tất cả dịch vụ kết nối trên một đường dây đến nhà thuê bao). Hơn
nữa, việc Viettel đang là nhà cung cấp dịch vụ có số lượng thuê bao
ĐTDĐ, điện thoại cố định và Internet khá lớn, có thương hiệu mạnh sẽ là
bước khởi đầu tốt để Viettel tiếp cận lớp khách hàng dịch vụ truyền hình
trả tiền.
Thực tế hiện nay những công ty truyền hình cáp như VCTV, SCTV...
đang là những đơn vị cung cấp dịch vụ lâu và sử dụng công nghệ cũ. Trong
khi đó, Viettel, VNPT và FPT Telecom là đơn vị đi sau có điều kiện áp
dụng công nghệ mới như truyền hình độ nét cao theo chuẩn HD và xem theo
yêu cầu. Một trong những thế mạnh của Viettel, VNPT và FPT Telecom là đã
quen với việc cạnh tranh quyết liệt trên thị trường viễn thông và
Internet. Những doanh nghiệp này vừa cung cấp dịch vụ nhưng cũng đồng
thời là doanh nghiệp có hạ tầng truyền dẫn. Vì vậy, họ có lợi thế về khả
năng cung cấp dịch vụ có chất lượng cao. Trong khi đó, những doanh
nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp hiện tại vẫn phải đi thuê truyền
dẫn của các doanh nghiệp viễn thông.
Một đặc điểm của truyền hình cáp so với dịch vụ viễn thông là không
bị níu kéo bởi số thuê bao. Khách hàng sẽ lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ
có chất lượng, chăm sóc khách hàng tốt, nội dung phong phú và giá cả
phù hợp. Thế nên, nếu Viettel, VNPT, AVG và FPT Telecom tham gia thị
trường truyền hình cáp thì việc những doanh nghiệp truyền hình cáp như
VCTV, SCTV, HTV... bị mất thị phần chỉ là vấn đề thời gian mà thôi.
VCTV đối phó bằng chiến lược thâu tóm và hợp tác
Có lẽ việc các doanh nghiệp viễn thông tiến vào thị trường
truyền hình cáp là xu hướng khó có thể cưỡng nổi. Những động thái của
VCTV gần đây cho thấy họ đang chuẩn bị ứng phó với "tình hình mới". VCTV
bắt đầu đi thâu tóm các doanh nghiệp truyền hình nhỏ đang gặp khó khăn.
Minh chứng là mới đây, Công ty Điện tử và Truyền hình cáp Việt Nam-CEC
(thuộc VTC) đã gửi thông báo chuyển quyền quản lý, điều hành mạng truyền
hình cáp của CEC sang VTV. Hay ngày 6/3/2013, VCTV đã ký kết hợp đồng
hợp tác chiến lược với CMC Telecom để triển khai cung cấp dịch vụ
Internet trên hạ tầng mạng truyền hình cáp của Truyền hình cáp Việt Nam.
Hợp tác này nhằm phát huy thế mạnh của mỗi bên, tận dụng hạ tầng kỹ
thuật sẵn có, tiết kiệm chi phí đầu tư. Thế nhưng động thái này được cho
là quá muộn so với lợi thế mà hai bên có. Cho dù truyền hình cáp ra đời
được hơn 9 năm, nhưng VCTV lại không thể biến sức mạnh các thuê bao
truyền hình cáp của mình trở thành thuê bao sử dụng đa dịch vụ như việc
hợp tác với CMC hiện nay.
Trả lời câu hỏi của Báo Bưu điện Việt Nam rằng việc VCTV ký kết
hợp tác chiến lược với một số đối tác liệu có phải do áp lực từ việc
Viettel, VNPT, FPT Telecom sắp gia nhập thị trường truyền hình trả tiền
hay không, ông Hoàng Ngọc Huấn, Tổng giám đốc VCTV cho biết, đấy là xu
hướng hội tụ phát thanh truyền hình nhằm đem đến cho khách hàng dịch vụ
đa dạng và chất lượng tốt. Hiện đang là thời điểm chín muồi để VCTV hợp
tác với CMC. Bình luận về việc VNPT và Viettel muốn gia nhập thị trường
này, ông Huấn cho rằng: "Mỗi doanh nghiệp có lợi thế khác nhau và định
vị thị trường khác nhau. Tôi tin rằng khi mỗi doanh nghiệp tham gia
truyền hình trả tiền thì sẽ tìm được thị trường cho riêng họ và sẽ thúc
đẩy cạnh tranh. Và với thế mạnh của VTV, chúng tôi sẽ có vị trí trên thị
trường này mà không doanh nghiệp nào có thể thay thế được".
Theo Thái Khang
ICTNews
Nội dung được đăng trên báo Bưu Điện Việt Nam số 34 ra ngày 20/3/2013