Trang chủ»Tin tức»Tin kinh tế

Tin kinh tế

Khó tăng vốn vì Nghị định 71?

DN liệu có khó triển khai các đợt tăng vốn sau ngày 1/9 tới, khi Nghị định 71/2013/NĐ-CP (NĐ71) về đầu tư vốn nhà nước vào DN và quản lý tài chính đối với DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có hiệu lực?

Quản chặt dòng lợi nhuân chia cho cổ đông Nhà nước

Theo NĐ71, lợi nhuận, cổ tức được chia từ phần vốn nhà nước đầu tư tại DN khác được nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN. Người đại diện có trách nhiệm yêu cầu DN khác nộp lợi nhuận, cổ tức được chia về Quỹ này…

Với quy định mới trên, Nhà nước sẽ mạnh tay hơn trong kiểm soát đồng vốn của mình đầu tư vào DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty. Tuy nhiên, do đang tồn tại một thực tế là rất nhiều DNNN, nhất là các tập đoàn, tổng công ty đang là người đại diện vốn nhà nước nắm cổ phần, cổ phần chi phối tại nhiều DN, trong đó có DN niêm yết mà trước đây là công ty con, DN trực thuộc, nên NĐ71 làm xuất hiện quan ngại về nguy cơ DN sẽ khó nhận được sự tham gia của cổ đông nhà nước trong các đợt phát hành tăng vốn, nếu thiếu cơ chế ràng buộc trách nhiệm này.

Chủ tịch HĐQT một DN niêm yết lớn trên HOSE cho biết, DN do ông làm đại diện phần vốn nhà nước hiện nắm cổ phần chi phối 51%. Trong 4 năm gần đây, do lợi nhuận khả quan, nên DN đã tăng vốn tới hai lần. Yếu tố quyết định để được tăng vốn là nhận được sự chấp thuận của tập đoàn, đơn vị đang đại diện phần vốn nhà nước tại DN và hiện nắm cổ phần chi phối.

“Nay theo quy định của NĐ71, lợi nhuận và cổ tức được chia tại các DN có cổ đông nhà nước nắm cổ phần phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN. Như vậy, nếu DN muốn thực hiện tăng vốn sẽ phải có được sự chấp thuận rót thêm vốn của Quỹ này. Ở đó, liệu DN có phải đối mặt với cơ chế xin - cho?”, vị Chủ tịch HĐQT trên lo lắng.

Khi chức năng đại diện quản lý vốn nhà nước tại DN tách biệt với chức năng quản lý dòng lợi ích mà DN mang về hàng năm (từ cổ tức, lợi nhuận được chia), khả năng các DN gặp khó khăn hơn khi muốn tăng vốn là rõ ràng. Nhiều DN, nhất là DN niêm yết có cổ đông nhà nước nắm cổ phần chi phối, đang trong tâm trạng lo lắng, vì NĐ71 quản chặt hơn dòng lợi ích DN tạo ra cho cổ đông nhà nước, nhưng chưa đề cập đến cơ chế hỗ trợ lại cho DN từ chính khối tài sản này.

Cần thêm cơ chế hỗ trợ trở lại các DN khi tăng vốn

Cùng với việc quy về một mối và quản chặt dòng lợi nhuận chia cho cổ đông nhà nước tại các DN, nhiều ý kiến cho rằng, để các DN, nhất là DN niêm yết không bị gián đoạn hoặc thêm nhiều thủ tục mới được tăng vốn, Bộ Tài chính khi soạn thảo thông tư hướng dẫn NĐ71 cần có tiêu chí phân định thế nào là DN có vốn nhà nước hoạt động hiệu quả/không hiệu quả, từ đó xác lập cơ chế ứng xử phù hợp với hiện trạng DN có vốn nhà nước.

Cụ thể, các chuyên gia cho rằng, với các DN hoạt động không hiệu quả, Nhà nước không cần nắm cổ phần, cổ phần chi phối, cần có cơ chế quyết liệt hơn trong việc thoái vốn, "trả" DN về cho thị trường và tự thị trường sẽ quyết định các vấn đề lớn của DN như tăng vốn, mở rộng hoạt động… Với các DN có vốn nhà nước và đang hoạt động hiệu quả, bên cạnh cơ chế chuyển lợi nhuận, cổ tức được chia về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển DN, cần xác lập cơ chế hỗ trợ lại DN khi các DN có nhu cầu tăng vốn. Khuyến cáo này nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra tình trạng, DN làm ra lợi nhuận cao cho cổ đông nhà nước, nhưng khi cần tăng vốn thì bản thân người đại diện phần vốn nhà nước không tự quyết định được, mà cứ phải gõ hết cửa này đến cửa kia…

Theo Hữu Đạo
ĐTCK