Trang chủ»Tin tức»Tin kinh tế

Tin kinh tế

Lãi suất giảm, tiền sẽ chuyển qua chứng khoán

Ngân hàng đua nhau hạ lãi suất đang là chuyện nóng và điều này ít nhiều đang tác động đến TTCK.

Ông Trịnh Xuân Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, CTCK MB (MBS) cho rằng, việc lãi suất hạ bao giờ cũng là một thông tin rất tích cực đối với TTCK.

Sau Vietcombank, hai ngân hàng BIDV và Vietinbank cũng đã giảm lãi suất huy động. Việc giảm lãi suất này sẽ tác động thế nào đến TTCK, theo ông?

Việc giảm lãi suất huy động của các NHTM sẽ tác động đến TTCK trên hai giác độ. Thứ nhất, về phương diễn vĩ mô, lãi suất huy động hạ làm tiền đề cho việc giảm lãi suất cho vay đối với các DN và hộ gia đình, qua đó kích thích nhu cầu đầu tư và tiêu dùng tăng trở lại. Điều này tạo nên kỳ vọng tăng trưởng kinh tế có khả năng cải thiện và qua đó tác động tích cực đến TTCK. Về phương diện vi mô, lãi suất cho vay hạ giúp giảm chi phí cho các DN và qua đó làm tăng lợi nhuận, khiến cổ phiếu của các DN trở nên hấp dẫn hơn. Thứ hai, mặt bằng lãi suất hạ khiến lợi suất yêu cầu đối với hoạt động đầu tư tài chính giảm xuống, giúp gia tăng giá của các loại tài sản tài chính nói chung và cổ phiếu nói riêng. Do đó, việc lãi suất hạ bao giờ cũng là một thông tin rất tích cực đối với TTCK.

Ngoài ra, việc giảm lãi suất nói chung trên thị trường sẽ tạo nên xu hướng giảm lãi suất margin trong khối CTCK để hỗ trợ nhà đầu tư trong thời gian tới và MBS đã đi đầu khi giảm lãi suất cho vay margin xuống quanh mức 15% trong tháng 4/2013.

Ông có thể giải thích rõ hơn giác độ thứ hai kể trên? Phải chăng đó là sự hấp dẫn tương đối hơn của TTCK so với tiền gửi ngân hàng khi lãi suất huy động giảm?

Trên thực tế, dòng tiền trong nền kinh tế luôn tìm đến các kênh đầu tư có khả năng sinh lời tốt nhất, do đó, việc lãi suất gửi tiết kiệm giảm chắc chắn sẽ làm giảm mức độ hấp dẫn của kênh đầu tư này và khiến một phần dòng tiền chuyển sang kênh đầu tư khác. Tại Việt Nam hiện nay, các kênh đầu tư truyền thống như vàng, bất động sản và ngoại tệ đều đang hàm chứa nhiều rủi ro nên khó thu hút vốn đầu tư. Giá vàng thế giới đang trong xu hướng giảm cộng thêm chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới quá cao, khiến kênh đầu tư này khá rủi ro. Bất động sản hiện đang đóng băng và thanh khoản thấp khiến khả năng chôn vốn của các nhà đầu tư là cao. Tỷ giá VND/USD khá ổn định và chưa cho thấy khả năng biến động mạnh khi lạm phát tại Việt Nam được kìm chế và thặng dư cán cân thanh toán của Việt Nam vẫn khá tốt, do đó, kênh đầu tư ngoại tệ hiện tại cũng không tiềm năng. Với các lý do trên, cộng thêm xu hướng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam trong năm nay, chúng ta có thể kỳ vọng một phần dòng tiền tiết kiệm sẽ chuyển vào chứng khoán.

MBS cho rằng, thị trường trong ngắn hạn sẽ có xu hướng tăng. Ngoài những lý do kể trên, MBS còn nhận thấy điều gì nữa?

Phân tích nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn hiện nay có thể thấy, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi sau một thời gian dài suy giảm. Các tín hiệu phục hồi tuy khá mờ nhạt, song hoàn toàn có đủ căn cứ để khẳng định nền kinh tế đã thật sự chạm đáy trong năm 2012 và sẽ có nhiều cải thiện trong năm 2013.

Thứ nhất, tăng trưởng GDP quý I/2013 theo ước tính của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đạt mức 4,89% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng 4,75% của quý I/2012. Chỉ số sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm tăng 5% so với cùng kỳ, cải thiện hơn so với mức tăng 4,9% trong quý I/2013. Trong khi đó, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đến hết tháng 4/2013 tăng 13,1% so với thời điểm năm trước, thấp hơn mức 19,9% cùng kỳ năm 2012, chủ yếu do các nhà sản xuất đã đẩy mạnh giải phóng tồn kho bằng cách giảm giá, khuyến mại, bán lỗ để thu hồi vốn. Tính từ tháng 8/2012, chỉ số PMI đã diễn biến tích cực hơn khi không còn giảm mạnh và đã tăng trở lại trong một số tháng. Đặc biệt, chỉ số PMI tháng 3 phục hồi trở lại mức 50,8 điểm trước khi tiếp tục tăng lên 51 điểm trong tháng 4 trong khi tồn kho giảm cho thấy dấu hiệu sản xuất đã bắt đầu phục hồi, dù còn rất khó khăn.

Thứ hai, mặt bằng lãi suất cả huy động và cho vay giảm mạnh so với cùng thời điểm này năm ngoái khiến tín dụng đã tăng nhẹ trở lại thay cho mức giảm 1,96% của quý I/2013. Tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội tăng 5%, chiếm 29,6% GDP, trong đó, nguồn vốn đầu tư từ khu vực tư nhân (là khu vực hiệu quả nhất) tăng 11%. Có thể thấy, tổng vốn đầu tư toàn xã hội/GDP giảm, song mức tăng GDP lại tăng cho thấy hiệu năng của nền kinh tế đã có sự cải thiện.

Cụ thể, nhà đầu tư nên xem xét đầu tư vào nhóm cổ phiếu nào, theo ông?

Tôi cho rằng, lĩnh vực hàng tiêu dùng, dịch vụ sẽ có tiềm năng khi kinh tế phục hồi. Lĩnh vực sản xuất lốp xe, đồ nhựa sẽ có lợi nhuận tốt do giá nguyên liệu giảm. Lĩnh vực bất động sản, xây dựng và vật liệu xây dựng sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn do thị trường bất động sản trầm lắng và đầu tư công suy giảm. Lĩnh vực nông nghiệp như sản xuất đường, cao su thiên nhiên, thủy sản sẽ khó khăn do thị trường xuất khẩu bất lợi.

Nhìn chung, thị trường sẽ tăng trưởng, song sự phân hóa sẽ diễn ra khá mạnh trong thời gian tới. Do đó, việc lựa chọn đúng các mã cổ phiếu tốt sẽ đóng vai trò quyết định trong thành công của các nhà đầu tư.

Theo ĐTCK